Đưa điện về nông thôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và cũng là ước mơ ngàn đời của người dân nông thôn. Tính đến cuối năm 2009, 97,57% số xã và 95,08% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia.
Kỳ tích của điện lực Việt Nam
Tuy nhiên, do đặc đặc điểm khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa không thuận lợi cho việc kéo đường dây, mật độ phụ tải phân tán nên chi phí đầu tư lớn, tổn thất điện năng cao, trong khi mức sử dụng điện của các hộ dân thấp.
Chỉ tiêu tài chính của các dự án điện nông thôn thường rất kém, thậm chí có nhiều dự án không có khả năng thu hồi vốn. Vì vậy, Chương trình điện khí hóa nông thôn của nước ta đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách rất lớn.
Báo cáo Chương trình điện khí hoá nông thôn Việt Nam - những thành công và bài học kinh nghiệm của ông Đỗ Tiến Hùng, chuyên viên Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như đánh giá của ông Robert Taylor, chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) đều cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia triển khai thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn với tiến độ bao phủ tốt hơn trong nhóm quốc gia nhận được tài trợ của WB.
Việt Nam được coi là điểm sáng trong Chương trình điện khí hóa nông thôn. Trong suốt 15 năm qua (từ 1993 đến cuối năm 2008), tỷ lệ tiếp cận điện năng của các hộ nông dân đã tăng từ 14% lên đến 94%. Tính trung bình, cứ sau 1 ngày, nước ta có thêm 1 xã được cấp điện và khoảng 1.700 hộ dân được dùng điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tỷ lệ xã, hộ dân nông thôn có điện ở nước ta hiện đã cao hơn một số quốc gia trong khu vực châu Á như Indonesia, Philippines, Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ... Chính vì thế, công cuộc điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam được ví như một kỳ tích.
EVN đồng hành cùng nhà nông
Trước đây, việc quản lý lưới điện nông thôn được khoán cho các cai thầu, khiến tổn thất điện năng rất cao xấp xỉ 40%. Việc bàn giao lại cho ngành điện và để tránh tình trạng tổn thất điện năng, xóa bỏ cai thầu điện nhưng cũng phải có cơ chế hợp lý đối với lực lượng lao động tiếp nhận, vận hành lưới điện nông thôn.
Và từ năm 1999, EVN đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp, đầu tư cải tạo sau tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng. Đến nay, EVN đã tiếp nhận toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn (1999-2005); lưới điện thủy nông (2003-2006); lưới điện nông - lâm trường (2003-2007), đồng thời từng bước tiếp nhận lưới điện hạ áp tại các xã được địa phương đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau theo hình thức tăng giảm vốn.
Hiện, 21 tỉnh, thành phố đã áp dụng phương thức bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng toàn bộ khu vực nông thôn; 12 tỉnh đã bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn trên diện rộng và 20 tỉnh đã có văn bản đề nghị được chuyển giao lưới điện hạ thế nông thôn cho ngành điện quản lý. Con số này dần sẽ tăng lên hàng năm theo chủ trương nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện hệ thống lưới điện toàn quốc của EVN.
Năm 2009 EVN đã tiếp nhận điện lưới hạ thế của 2.421 xã trên toàn quốc để bán điện trực tiếp đến các hộ nông dân và sẽ hoàn thành vào tháng 6/2010 nhằm tạo công bằng hơn giữa người sử dụng điện ở nông thôn và thành thị.
Đến năm 2010, ngành điện sẽ hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện nông thôn, xóa bỏ hoàn toàn cai thầu về điện nông thôn. Đây là một đề án đang được ngành điện triển khai quyết liệt, nhưng cũng gặp không ít khó khăn như: Vốn đầu tư lại từ cột, công tơ, đường dây, trạm biến áp và nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực. Việc tiếp nhận lưới điện, mang lại lợi ích cho người dân nông thôn nhưng cũng đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành. Hiện nay cả nước có 9.096 xã, trung bình mỗi xã phải có 2 người làm công tác quản lý lưới điện thì số lao động vận hành điện nông thôn phải tăng lên trên 18.000 lao động.