Previous
Next

Tin ngành điện

Tăng giá điện tác động không đáng kể đến kinh tế và đời sống người dân

Việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là rất cần thiết

Theo Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, mấy năm gần đây, giá điện bắt đầu tăng nhưng do tỷ giá ngoại tệ cũng tăng cao làm cho chi phí sản xuất và mua điện năm 2009 tăng gần 800 tỷ đồng so với năm 2008. Giá khí tăng 22% làm cho chi phí mua điện năm 2009 tăng 95 tỷ đồng. Giá dầu DO tăng 16%, dầu FO tăng 29% so với tính toán làm tăng chi phí phát điện 156 tỷ đồng. Ước tính tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện cho toàn ngành tăng 2.565 tỷ đồng so với phương án giá được duyệt. Mức lương tối thiểu cũng được điều chỉnh tăng lên làm tăng chi phí ở tất cả các khâu. Tỷ trọng các nguồn thuỷ điện giá rẻ ngày càng giảm, trong khi tỷ trọng các nguồn điện mới có giá cao ngày càng tăng, nhu cầu đầu tư vào nguồn lưới điện tăng rất lớn. Khối lượng đầu tư sửa chữa lớn lưới điện và các nhà máy điện tăng cao do nhiều công trình phải lùi kế hoạch sửa chữa từ các năm trước nay bắt buộc phải thực hiện. Nếu không điều chỉnh kịp thời giá điện thì ngành điện khó có thể huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các công trình điện mới, sẽ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.


Về vấn đề này, ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm: Mặc dù giá điện tăng lên 6,8% kéo theo giá than bán cho điện tăng 28-47% nhưng thực chất mức tăng này chỉ mới đạt 78-83% giá thành của năm 2009. Trong khi đó, năm 2009 EVN đang trong tình trạng lãi giả lỗ thật, bởi lẽ, theo báo cáo của EVN, trong lợi nhuận năm 2009 có tới trên 11.000 tỷ đồng đạt được nhờ chênh lệch do tăng giá điện. Điều đó cho thấy giá điện hiện nay còn rất xa với giá thành sản xuất. Vì vậy, việc đưa giá điện tiệm cận dần với giá thị trường là vô cùng cần thiết.

Giữ nguyên giá cho bậc thang đầu tiên


Giá bán điện cho các nhóm đối tượng khách hàng dựa trên nguyên tắc xóa bỏ dần bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt. Cụ thể, giá bán điện cho các ngành sản xuất tăng 6,3%, thấp hơn mức tăng giá điện bình quân. Giá điện bình quân cho sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%, bằng giá điện bình quân. Giá điện cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh lần lượt có tỷ lệ tăng là 6,1% và 6,3%.

Riêng với giá điện sinh họat, bậc thang đầu tiên (0-50 kWh) vẫn giữ nguyên mức giá 600 đồng/kWh để hỗ trợ cho hộ nghèo và có thu nhập thấp. Ở mức này nhà nước phải bù giá 43%. Tới bậc thang thứ hai (51 – 100 kWh) được giữ bằng giá thành bình quân, không có lợi nhuận. Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho rằng, có đến 90% trong số các hộ nghèo chỉ dùng tối đa là 50kWh/tháng.

Vì vậy, phương án giữ nguyên giá cho 50 kWh đầu tiên chính là chính sách hỗ trợ các hộ nghèo. Mức giá của các bậc thang tiếp theo được điều chỉnh cao hơn để đảm bảo bù chéo lẫn nhau giữa các bậc thang, đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%. Riêng những khu vực không nối lưới điện quốc gia sẽ có biểu giá riêng theo nguyên tắc đảm bảo kinh doanh, có lợi nhuận hợp lý và phải xác định rõ nguồn bù đắp chi phí.

Bãi bỏ giảm giá điện giờ cao điểm sáng

Trả lời câu hỏi của báo chí về biểu giá điện năm 2010 sẽ tiếp tục áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng và bãi bỏ giảm giá điện cho các đơn vị sản xuất 1 ca. Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho biết: Năm 2009, Chính phủ đã cho phép giảm một phần giá cao điểm sáng. Tuy nhiên, thống kê đến hết ngày 31/12/2009 cho thấy, sau 4 tháng thực hiện, chỉ có 1.497 đơn vị thực sự bị ảnh hưởng và đủ điều kiện được giảm giá, chiếm 3,74% tổng số đơn vị sản xuất trong cả nước. Tổng lượng điện trong giờ cao điểm sáng được tính giảm giá trong 4 tháng chỉ khoảng 3,86 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, số lượng các đơn vị bị ảnh hưởng do quy định giá điện giờ cao điểm sáng là không nhiều. Vì vậy, để phản ánh đúng chi phí sản xuất và có tín hiệu cho sử dụng điện hiệu quả tiết kiệm, cần tiếp tục quy định giá điện giờ cao điểm sáng trong biểu giá điện năm 2010 để khuyến khích sử dụng điện giờ thấp điểm.

Tăng giá điện có tác động không đáng kể tới nền kinh tế và đời sống nhân dân

Theo phân tích của Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, với mức tăng 6,8% sẽ tác động không đáng kể tới nền kinh tế và đời sống nhân dân cũng như giá thành sản xuất. Tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm 2010 bằng khoảng 0,3% GDP, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 khoảng 0,34%, trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,1%. Các ngành sản xuất sẽ phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2009.

Một số ngành có chi phí tiền điện chiếm tới 30 – 40% giá thành sản xuất như cấp nước, điện, phân bón… sẽ có giá thành sản phẩm tăng 2,83 – 3,15%. Các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng 0,2 – 0,69%.

Các ngành khác chi phí tiền điện tăng thêm chủ yếu dưới 1% giá thành. Đối với người dân, những hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng sẽ không bị ảnh hưởng gì.

Những hộ sử dụng 51 – 100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm tối đa 7.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 16.000 đồng/tháng.

Các hộ sử dụng tới 300 kWh/tháng phải trả thêm khoảng 26.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng 400 kWh/tháng phải trả them 36.500 đồng/tháng. Như vậy, mức tăng chi phí tiền điện không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của người dân.

Bốn giải pháp hạn chế hiệu ứng dây chuyền của việc tăng giá điện

Giải đáp băn khoăn của báo giới về tác động dây chuyền của việc tăng giá điện tới các mặt hàng khác, Thứ trưởng Bộ tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định: mức tăng giá đã được các Bộ bàn bạc tính toán rất kỹ, còn việc tăng chỉ số giá tiêu dùng là do ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố chứ không phải do tác động của riêng giá điện.

Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tác động của việc tăng giá điện tới sản xuất sinh hoạt của các doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan thực hiện 4 nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, theo dõi sát những biến động do ảnh hưởng của tăng giá ở cả 2 khu vực sản xuất và tiêu dùng. Nếu có những ảnh hưởng lớn sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp điều chỉnh; Thứ hai: Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những đối tượng lợi dụng tình trạng tăng giá điện để “té nước theo mưa” nhằm tăng giá hàng hóa dịch vụ; Thứ ba: Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề điều chỉnh giá, tránh những hiệu ứng tăng giá về tâm lý; Thứ tư: Thực hiện linh hoạt các giải pháp trong điều hành các chính sách phối hợp.

Mỗi năm chỉ tăng giá điện 1 lần

Sau nhiều ý kiến lo lắng về việc giá điện tăng do ảnh hưởng của việc tăng giá than, vậy sắp tới nếu giá khí tăng thì giá điện có bị điều chỉnh lại không, ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Vừa qua, PVN đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho tăng giá khí từ ¼ nhưng EVN đang đề nghị tạm dừng vì nếu tăng giá khí EVN sẽ phải chi thêm 1.200 tỷ đồng chưa được tính vào giá điện. Tuy nhiên, kể cả khi Chính phủ chấp thuận đề nghị tăng giá khí của PVN thì việc điều chỉnh giá điện theo giá khí cũng sẽ thực hiện vào năm 2011 bởi vì theo quyết định của Chính phủ, việc tăng giá điện sẽ điều chỉnh mỗi năm 1 lần. Từ sau năm 2012, khi giá điện chính thức vận hành theo giá thị trường thì giá điện mới điều chỉnh kịp thời theo giá nhiên liệu đầu vào. Hiện nay. EVN đang đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách mua bán điện để khuyến khích các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào các dự án điện.

Về phương thức tính giá điện mới, ông Tri cho biết, EVN sẽ thực hiện chốt chỉ số công tơ ngay trong ngày 1/3 cho những hộ tiêu dùng điện lớn. Với các hộ tiêu dùng nhỏ sẽ đọc số bình thường. Cách tính tiền điện theo giá mới cho các hộ lẻ sẽ được quy đổi theo phương thức tính như năm trước.

Tác giả: Theo Côngthương; Xuất bản: 26/02/2010 08:22
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét
  • Khởi công Khe Bố

  • Nhà máy Nậm Ná

  • Nhà máy Bắc Bình

  • Nhà máy Khe Bố

  • Lãnh đạo GENCO 1 thăm Nhà máy Khe Bố

  • Lãnh đạo GENCO 1 thăm Nhà máy Khe Bố

  • Lãnh đạo GENCO 1 thăm Nhà máy Khe Bố

  • Lãnh đạo GENCO 1 thăm Nhà máy Khe Bố