Previous
Next

Tin ngành điện

Điện và tầm nhìn Thế kỷ


Những hạn hẹp của cách nhìn cũ

Hiểu thật nhanh phát biểu hồn nhiên này là: Ta chưa dự kiến sát các nhu cầu phát triển trong một khung thời gian rất ngắn: 01 năm. Cho nên, khi biên độ tiêu thụ mới tăng 20% thôi, đã chếnh choáng, hụt hẫng.

Vậy nên, để tránh những hẫng hụt về năng lượng mười năm tới, phải có tầm khái quát bằng được nhu cầu của thời kỳ mới.

Trong các báo cáo công tác hay các phát biểu giải trình tại các diễn đàn, người ta thường có một đơn vị so sánh rất quen tai là: ”So với cùng kỳ năm ngoái”.

Điều này, nếu loại bỏ hình bóng của chủ nghĩa thành tích, của những người ưa thích món con số thống kê ra, nó có dấu hiệu của những cách nhìn tĩnh, cách dùng những căn cứ hữu hạn để “đo” cái thế giới năng động phía sau, cho nên, hẫng hụt là điều không lạ.

Nhìn vào dự báo phát triển cho vài năm tới, không khỏi bất an.

Để có một phân tích khách quan, có những thước đo năng động, sinh động dễ làm hiển hiện những bất cập trong tương lai giống như vấn đề vừa gặp phải hôm nay, kể cả khi phát triển thêm một ngàn MW vào vài ba năm tới.

Thử điểm danh các tiềm năng tiêu thụ

Một hai năm nữa, khi cơn suy thoái kinh tế thế giới hồi lại, cấp độ tăng trưởng FDI cho Việt Nam cũng đã được dự báo tăng đáng kể.

Nghĩa là, nếu không có trở lực gì lớn, chỉ trong năm năm từ 2010 đến hết 2015, tổng FDI vào Việt Nam sẽ đạt 30 đến 40 tỷ USD nữa, bằng tổng đầu tư của 15 năm từ 1995 đến 2008 là một khả năng dễ thành hiện thực. Mười năm nữa, nếu “thiên thời, địa lợi” số vốn FDI lên cỡ 100 tỷ USD cũng không phải điều gì hoang tưởng, là có cơ sở.

Tiền vào là nhu cầu điện vào theo ngay. Ở mức 58 tỷ USD cho đến hết 2009 sản lượng điện đã chấp chới.

Trong 4 năm tới khi một núi tiền đổ vào Việt Nam thì 20.000 mê-ga-oát (MW)/giờ như hiện nay sẽ chỉ là muối bỏ biển.

Ở lĩnh vực dân sinh, hiện nay mới chỉ dùng điện ở mức khiêm tốn nhất.

Nước ta là một nước nhiệt đới. Khi cuộc sống còn khó khăn thì sao cũng được, nhưng hiện nay khi có hai yếu tố chen chân vào như sau:

- Một là cấu trúc nhà cửa đang "bê tông hóa" theo hướng càng kín càng tốt. Ngày xưa nhà lá, cây mít, không có điện cũng chẳng sao. Giờ này chỉ mất điện nửa giờ là nhốn nháo ngay.



- Hai là thu nhập của nhân dân ngày càng cao, mẫu gia đình 5- 6 khẩu có ba lao động, tổng thu nhập cỡ 15 triệu không còn hiếm và trong tương lai gần sẽ là phổ biến.

Với hai yếu tố này, với cái khí hậu khô nóng có vẻ ngày càng tăng thì một trong những ưu tiên hàng đầu cho nhu cầu cuộc sống nay mai sẽ là cái máy điều hòa nhiệt độ.

Ưu tiên cho sức khỏe, bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu.

Ở tp HCM hiện nay, số hộ gia đình thu nhập cỡ 10-15 triệu/tháng dùng máy lạnh không phải là hiếm.

Vậy thì, trong 10 năm tới đây, toàn quốc "chỉ" có thêm 30% hộ dân và 70% văn phòng cơ quan dùng từ 1 đến 2 máy điều hòa nhiệt độ nữa thì điều gì sẽ xảy ra???

Nước ta có khoảng 17 triệu căn hộ, 30% nữa nghĩa là hơn sáu triệu hộ với khoảng 500.000 văn phòng, trường học, bệnh viện dùng khoảng hơn 7 triệu cái máy. Mỗi ngày một cái máy "khiêm tốn" nhất dùng hết 24 kW điện, mỗi năm gọi tắt là 8000 kW điện thì tổng công suất của 7 triệu cái máy sẽ là 50 triệu MW. Liệu con số này có đủ sức "nuốt chửng" công suất của năm cái nhà máy thủy điện cỡ Thác Bà hay không?

Chưa hết. Hiện nay, có tới 60% khu vực nông thôn nghèo, thu nhập thấp nên "sức mua" điện rất thấp. Ở vùng Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ hay Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị người dân chỉ dùng bình quân dưới 50.000 đồng/tháng tiền điện, chủ yếu cho thắp sáng và coi ti vi. Một ngày không xa, nhu cầu này tăng gấp đôi, gấp ba là không phải nghi ngờ gì, cũng chỉ bằng hộ dân nghèo thành thị hôm nay, lập tức lại phải cộng thêm vài triệu MW một năm nữa.

Xu hướng dùng điện vào các loại hình sản xuất, đang được các nhà khoa học tiếp vận vào cuộc sống ngay ở nông thôn. Hôm nay người ta đã biết dùng điện cho lò ấp trứng vịt. Chăm cây Thanh Long. Ngày mai, để giải quyết cho những biến động khắc nghiệt của thời tiết, hàng triệu tấn lương thực thu hoạch khi mưa gió sẽ dùng đến lò hấp và sản lượng điện dùng thông gió, gây nhiệt cho lò sấy nông sản cao hơn lò ấp trứng vịt hàng vạn lần.

Ngay trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, xe gắn máy. Xu hướng xe chạy điện đang được hiện thực hóa từng ngày. Hiện nay dòng xe thương mại chạy điện đã bán trên thị trường. Loại xe này an toàn và tránh hiệu ứng khí thải. Nhưng, nếu một ngày kia, có nửa triệu chiếc xe lưu thông, mỗi ngày, một chiếc xe 5 tấn, để thay thế 30 lít nhiên liệu lỏng bằng ít nhất 300 kW điện, lại là sản lượng của hai nhà máy điện nữa cỡ Trị An nuôi chưa thấu đàn xe này.

Nói vậy để thấy rằng, cuộc sống phát triển luôn ở dạng "mở", dạng "động". Ngành năng lượng là ngành huyết mạch, phải là ngành "đọc" sớm nhất thông điệp của tương lai.

Mười năm tới, nhu cầu điện sẽ cao gấp 5 lần bây giờ là cái chắc.

Chúng ta đã làm gì?

-Chu trình bán than, nhập điện.
-Chu trình phát triển thủy điện.
-Chu trình hạn chế phát triển thủy điện sau khi dư luận cảnh báo về môi trường.
-Thói quen lãng phí kinh hoàng trong dùng điện.
-Chậm phát triển các hạng mục điện hợp lý.
-Cắt điện.
-Dự báo không sát năng lực phát triển của xã hội.

Tất cả những thứ đó, thực sự đã đóng mã vạch chất lượng công tác của ngành nắm sinh khí quốc gia này ở hạn mức rất thấp.

Ngày còn chiến tranh, trước khi vào trận đánh, ban tham mưu mỗi đơn vị sau khi bàn bạc những bài bản chiến thuật trị lực lượng địch thường tính đến cả trường hợp bị tổn thất lớn. Những toan tính ấy nêu dự phòng cả trường hợp thủ trưởng hy sinh hoặc bị thương thì ai sẽ lên thay, trường hợp vị lên thay cũng bị thương vong thì ai sẽ nhận nhiệm vụ tiếp tục chỉ huy đơn vị.

Chính vì cách tiếp cận chủ động như vậy nên cán bộ, chiến sỹ ta có được một tâm trạng vững chắc, tin tưởng vào chiến thắng. Khi xảy ra rủi ro, nguy hiểm thì lui tiến có trật tự, hạn chế thấp nhất những tổn thất xảy ra.

Thật tiếc, trong thời bình, các điều kiện để dự báo các khả năng phát triển thường rất tường tận nhưng chúng ta đã luôn hẫng hụt trước những vận động mười mươi biết trước.

Hôm nay, 2010, chúng ta bàn về một trong hai hình ảnh “đệ nhất thụ động” này: Điện lực Việt Nam.

Năm 2007, dẫn một đoàn khách quốc tế thăm Hà Nội. Trong buổi café sáng, tôi đang ngân nga cho bạn nghe khúc ca về sự tiến bộ của Hà Nội với những chỉ số như là diện công dân hưởng thụ cuộc sống ở mức cao, dám vào những tiệm café máy lạnh cao cấp, uống một li với giá bằng một ngày lương của một cô ôsin hay sự tăng trưởng vài trăm phần trăm số cửa hàng bán ô tô của Hà Nội so với mười năm về trước thì sau đó, đoàn chúng tôi đi vào một con hẻm rẽ từ đường Khâm Thiên để đến tư gia của một nhà khoa học.

Đến đây, cả đoàn khách khựng lại, họ chăm chú nhìn trên một góc tường của một căn nhà: Một “tổ hợp” hơn hai chục cái hộp gọi là “đồng hồ công tơ” của các gia đình gắn vào đó, rất hoang dại, cái cao cái thấp, hoen gỉ, lộn xộn và bí ẩn.

Khách hí hoáy chụp ảnh cái cảnh “không giống ai” này rồi hỏi tôi “người ta không có cách quản lý nào hay hơn là phải đặt các đồng hồ của các gia đình ra đây, gớm ghiếc, bẩn mắt như thế này à?...”.

Tôi ậm ừ rồi nói cho qua chuyện: “À, bởi gần đây có một khu đang sửa chữa, xây dựng nên người ta kéo tạm ra đặt vào đây đấy!”.

Vị khách lắc đầu, ngước nhìn hàng giây điện nhằng nhịt, nặng nề chạy trằn qua mặt các căn hộ, chỉ cách ban công tầng hai một tầm tay với của trẻ con.

Vào Đà Nẵng, đi Hội An về, bà khách tìm tôi và cho tôi xem một vài kiểu hình độc đáo hơn chùm tổ chim ở Hà Nội nhiều. Đó là một cái trụ điện đầu một xóm nhỏ, cao chừng mười mét. Trên thân cây, “chùm trái”… đồng hồ công tơ sai xúc xỉu. Hơn bốn chục cái đeo bám suốt từ chân lên ngọn cột. Cái nào cũng tạm bợ, hoen gỉ, khổ hạnh xung quanh một mớ dây dợ thòi lòi nom phát sợ.

Chờ tôi xem và bàng hoàng xong, quý bà cho xem một cái khác: Đây là một bức hình đỡ “nóng trong người” hơn: Có độ hai chục cái hộp mới mẻ hơn, đồng bộ hơn mắc dầy trên thân một trụ điện khác.

Bà khách hỏi tôi: Anh thấy cái nào gớm hơn cái nào? Cái nào nhiều ngôn ngữ hơn cái nào?

Đương nhiên tôi chọn cái xem trước.

Bà khách lại lắc đầu: Đó, tất thảy những cái rối rắm, tiêu cực này đều xuất phát từ cái đầu. Anh còn không thấy được vấn đề thì sao anh giải quyết được nó?




Cái trụ điện trước, là hình ảnh không thể chấp nhận được trong thế giới văn minh nhưng nhìn sơ là thấy, nó đã có tuổi thọ 10 năm là ít. Còn cái sau chỉ mới được tạo nên một hai năm nay thôi. Nghĩa là, nó công nhận sự bất lực đến thê thảm bởi trình độ, năng lực quản lý, công nghệ của anh. Anh không có cách nào hơn là làm lại cái… vỏ hộp cho vuông vức hơn, đồng bộ hơn, còn việc phải kéo tất cả đồng hồ của từng gia đình ra đây, phơi mưa gió, mau hư hại và mất mỹ quan, nguy hiểm hầu như là không thay đổi.

Mà cái rối rắm, tiêu cực ở đây, mới chỉ ở địa hạt “dùng điện” chứ nếu lân sang lĩnh vực “sản xuất điện” thì lại là vấn đề khác, nặng nề hơn nhiều.

Tôi không biết nói gì nữa, một sự im ắng nặng nề mô tả đúng tâm trạng của “chủ” bất đắc dĩ là tôi trong hoàn cảnh ấy. Sáng hôm sau, cầm tờ báo Tuổi Trẻ trên tay, thấy tin một em bé vừa bị điện giật chết bởi dây thu lôi hở nơi chân cột trụ, đây không phải vụ đầu tiên và chắc cũng chưa phải vụ cuối cùng. Tôi thầm mong đoàn khách đến từ xứ văn minh kia biến thật nhanh để họ đừng thấy trang báo này.

Kỳ sau: Tư duy đột phá, khởi động nhanh

Tác giả: Nguyễn Huy Cường; Xuất bản: 22/09/2010 03:35
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét
  • Khởi công Khe Bố

  • Nhà máy Nậm Ná

  • Nhà máy Bắc Bình

  • Nhà máy Khe Bố

  • Lãnh đạo GENCO 1 thăm Nhà máy Khe Bố

  • Lãnh đạo GENCO 1 thăm Nhà máy Khe Bố

  • Lãnh đạo GENCO 1 thăm Nhà máy Khe Bố

  • Lãnh đạo GENCO 1 thăm Nhà máy Khe Bố